A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lê Hữu Trác

     Lê Hữu Trác, hiệu là Hải thượng Lãn ông, quê ở Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

     Ông sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Ngọ (tức ngày 12 tháng 11 năm 1720) trong một gia đình có 6 tiến sĩ (ông là con của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu, là cháu gọi Thượng thư bộ Binh Lê Hữu Kiều là chú ruột).

     Ông là con thứ 7 nên tục gọi là Chiêu Bảy. Theo “Hải Dương phong vật chí” thì ông còn có tên là Lê Hữu Huân, nhưng theo sách “Văn Xá Lê tộc thế phả” thì ông là Lê Hữu Trác.

 

     Lúc nhỏ, ông theo cha lên Thăng Long học. Nổi tiếng thông minh học giỏi, ông cùng một số bạn bè lập ra một “Thi xã” (Hội thơ) ở Hồ Tây để cùng nhau xướng hoạ. Tính ông hào mại phong lưu, thích giao du với bạn bè, được chúa Trịnh hết lòng yêu mến. Đương thời gọi ông là “Nhà thơ Lý Đỗ phong lưu”. Năm 20 tuổi ông bỏ đường cử nghiệp, chuyển sang học võ, từng tham dự nhiều trận mạc, hy vọng trở thành một võ tướng có tài. Nhưng buổi bấy giờ vua Lê chỉ còn là hư vị, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn còn đang giao tranh, ông chán công danh lánh về ở ẩn nơi quê mẹ là làng Thượng Phúc, huyện Hương Sơn, trấn Nghệ An. Ông chuyên tâm nghiên cứu y học, xây dựng sự nghiệp y học dân tộc để trị bệnh cứu người, với một ham muốn phần nào giúp cho xã hội bớt đi những đau khổ. Tài năng đạo đức của ông vang dội khắp nơi trong nước.

     Ngày 12 tháng giêng năm 1781, Lãn Ông được lệnh của Trịnh Sâm ra kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Trong thời gian này ông viết “Thượng kinh ký sự” ghi lại sinh hoạt trong phủ của vua Lê, chúa Trịnh. Trịnh Sâm nể tài muốn giữ ông ở trong triều, trọng thưởng ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ. Ông chối từ và trở về Hương Sơn ngày 2 tháng 11 năm 1782, để vui cái vui của thiên hạ, lo cái lo của thiên hạ, bởi trị bệnh cứu người là mục đích của đời ông.

Không chỉ làm thuốc chữa bệnh, ông còn để công dạy nghề y và viết sách. Bộ “Y tông tâm lĩnh” đồ sộ gồm 28 tập, 66 quyển, viết trong gần 40 năm. Đây là một công trình kế thừa trước tác y học của nhiều thế hệ, được coi là bộ “Bách khoa toàn thư” y học của thế kỷ 18, loại sách mà ở thời kỳ đó, trên thế giới cũng chỉ mới xuất hiện rất ít. Trong đó ông đã xây dựng thành hệ thống toàn bộ: Lý, Pháp, Phương, Dược của nền y học Việt Nam.

     Lê Hữu Trác không những là một nhà y học, dược học vĩ đại có kiến thức uyên thâm, ông còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, một nhà tư tưởng tiến bộ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân đạo. Sau khi mất ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam” và lập miếu thờ chung với Đại danh y Tuệ Tĩnh ở Hà Nội.

 


Tác giả: Theo Báo Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết