A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo động tình trạng cận thị học đường

Hiện nay, tình trạng trẻ em trong độ tuổi cắp sách đến trường trên địa bàn tỉnh bị tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị học đường đang ngày một gia tăng. Tỷ lệ học sinh thành thị bị cận thị cao hơn khu vực nông thôn. Đây là tình trạng đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và sinh hoạt của các em.

Theo kết quả khám cận thị học đường khối học sinh THCS ở 18 trường của thành phố Hưng Yên cuối năm 2017 vừa qua cho thấy có đến hơn 33% số trường THCS có tỷ lệ học sinh mắc các tật khúc xạ về mắt là trên 50%, cụ thể như: Trường THCS Nguyễn Tất Thành trên 60%; Trường THCS Lê Lợi 57%; Trường THCS Nguyễn Quốc Ân trên 54%; Trường THCS An Tảo trên 52%...

Nhiều học sinh bị tật khúc xạ về mắt nặng từ 2-4 “đi ốp” nhưng qua các đợt khám miễn phí về cận thị học đường mới được phát hiện. Tỷ lệ học sinh nữ mắc tật khúc xạ cao hơn học sinh nam, chiếm khoảng 60% trong tổng số học sinh bị tật khúc xạ.

Bệnh cận thị dù không ảnh hưởng đến tính mạng con người, nhưng thực tế lại ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập và sinh hoạt của người mắc.

Em Nguyễn Phương Linh, học sinh Trường THCS Hiến Nam cho biết: Em sẽ không nhìn thấy rõ cái gì hoặc khi ngồi dưới lớp sẽ không thấy chữ viết trên bảng nếu em không đeo kính.

Còn em Vũ Đình Phú, học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Tất Thành tâm sự: Có hôm đi học, em nhãng ý quên mang kính nên suốt buổi học em chỉ ngồi nghe giảng, giờ ra chơi em cũng ngồi một chỗ vì mắt mờ, khó quan sát xung quanh.

Việc học sinh mắc các tật khúc xạ về mắt không chỉ ảnh hưởng tới bản thân trẻ mà còn gây "khó" cho nhiều giáo viên.

Thầy giáo Nguyễn Văn Phương, Trường THCS Nguyễn Tất Thành (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: “Việc học sinh đeo kính trong lớp hiện nay rất nhiều nên ngay từ việc sắp xếp chỗ ngồi cho các em làm sao bảo đảm hợp lý cũng khá vất vả với các giáo viên chủ nhiệm. Hơn nữa, trong quá trình học tập, hôm nào có sự cố mất điện hoặc là trời mưa, tối hơn bình thường thì việc theo dõi bài giảng của học sinh cũng bị hạn chế rất nhiều”.

Bác sỹ Phạm Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Khám - Bệnh viện Mắt Hưng Yên cho biết: “Hiện nay ở Hưng Yên, lượng học sinh bị cận thị tăng cao, thường là ở các học sinh THCS và THPT. Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân là học sinh đến khám các tật khúc xạ về mắt chiếm trên 30% tổng số bệnh nhân, trong đó chủ yếu là trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 16 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của cận thị học đường đa phần do thói quen sinh hoạt, học tập của các em, chủ yếu là do thời gian học tập, tư thế ngồi học, sử dụng nguồn sáng trong khi học không đủ và sử dụng các phương tiện giải trí như ti vi, máy tính, điện thoại... chưa hợp lý.

Qua kết quả khám và chẩn đoán bệnh cho các trường hợp bị tật khúc xạ ở lứa tuổi học sinh, bác sỹ Hằng khẳng định: "Có rất ít trường hợp mắc cận thị học đường là do bẩm sinh".

 

Cận thị không phải là bệnh nguy hiểm tức thì nhưng nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến hệ quả như người bệnh bị nhược thị, lác, thậm chí là giảm thị lực vĩnh viễn. Các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi thấy con em mình có các dấu hiệu như nhìn mờ, nhức mỏi mắt, đọc sai hoặc nhầm. "Cận thị hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu có sự phối hợp tích cực giữa học sinh, gia đình và nhà trường" - bác sỹ Hằng khẳng định.

Nhiều người xem nhẹ bệnh cận thị do nghĩ rằng đã có kính đeo, bên cạnh đó có thể phẫu thuật. Tuy nhiên, theo các bác sỹ chuyên khoa mắt cho biết, việc đeo kính không giải quyết được tình trạng cận thị, chi phí phẫu thuật vẫn còn khá cao, vì vậy việc phòng bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Rèn luyện tư thế ngồi đúng, thẳng lưng, cao đầu, không được cúi gằm xuống mặt bàn khi học, khi tiếp xúc với các thiết bị điện tử thì phải quy định thời gian ngắn hơn, ví dụ như theo quy tắc 20 - 20 - 20 (ngồi máy tính 20 phút, nghỉ giải lao 20 giây, nhìn ra xa 20 fit tức khoảng 6m).

Hiện nay, trong trường học, chương trình giáo dục sức khỏe đã được đưa vào tích hợp nhiều môn như sinh học, vật lý, thể dục… để cung cấp kiến thức cho học sinh tự bảo vệ sức khỏe của mình, trong đó có các bệnh về mắt.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong chương trình y tế học đường chưa gắn kết, phụ thuộc nhiều vào các chương trình tài trợ của các tổ chức quốc tế. Mặt khác, kiến thức về cận thị học đường của các em hầu như chưa có. Nhiều em bị tật khúc xạ nhưng không hiểu vì sao mắt mình mờ, dù thầy, cô giáo đã chuyển chỗ ngồi thuận lợi gần bảng hơn mà vẫn không nhìn rõ chữ…

Cũng có không ít học sinh biết mắt mắc tật khúc xạ nhưng ngại không đeo kính, có học sinh cho rằng, nếu phải đeo kính thì chỉ đeo khi học, đọc sách báo, hoặc xem tivi còn lúc khác thì không cần đeo. Đây cũng là nguyên nhân khiến tật khúc xạ mắt của các em ngày càng nặng thêm.

Để hạn chế và khắc phục tình trạng trẻ em mắc các bệnh về tật khúc xạ, các bác sỹ chuyên khoa mắt cho rằng: Quá trình học tập cần bảo đảm đủ ánh sáng, đúng tư thế ngồi, bàn ghế phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ánh sáng tự nhiên là tốt nhất, do vậy các phòng học của các em nên mở nhiều cửa sổ để lấy ánh sáng mặt trời. Không nên cho trẻ xem ti vi, máy tính, điện thoại… quá lâu. Cần khuyến khích trẻ chơi các trò chơi, giải trí ngoài trời; bảo đảm ngủ đủ giấc; thường xuyên đi khám để sớm phát hiện các tật khúc xạ. Nếu phải đeo kính thì cần đeo kính đúng tiêu chuẩn, đúng độ khúc xạ. Đeo kính là biện pháp an toàn nhất đối với trẻ bị cận thị. Đối với phương pháp phẫu thuật phải đợi đến khi qua 18 tuổi, lúc đó độ cận thị của mắt đã ổn định thì việc phẫu thuật mới đem lại hiệu quả.


Tác giả: Theo Báo Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết