A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về Yên Mỹ tham quan đình Cảnh Lâm-Tân Việt

Xưa kia, đình Cảnh Lâm tọa lạc trên địa phận làng Cổ Việt, nay là thôn Cảnh Lâm, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ nên nhân dân địa phương gọi tên di tích theo địa danh hành chính của thôn.

Đình Cảnh Lâm

          Đình Cảnh Lâm được xây dựng từ thời Lý, phục dựng vào thời Nguyễn. Đình Cảnh Lâm là nơi tôn thờ Thành hoàng làng Đỗ Anh Vũ, một vị quan đại thần dưới triều Lý (1009 - 1226). Ông là người có công mưu lợi ích cho quê hương, mở mang đất đai và thủ công thương nghiệp, phát triển Phật giáo, xây dựng chùa chiền, giúp người dân được an cư lạc nghiệp.
          Để tưởng nhớ công lao to lớn của Thái úy Đỗ Anh Vũ, sau khi ông mất nhân dân làng Cảnh Lâm đã tôn ông làm Thành hoàng làng và lập đền thờ, quanh năm hương khói thờ phụng. Hiện tại, đình còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn.
         Tấm bia "Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh tính tự" - (Bài tựa và bài minh bia chùa Diên Phúc thôn Cổ Việt) dựng khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 năm Mậu Dần -1158, hiện đặt tại chùa Cảnh Lâm, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cũng ghi lại nhiều thông tin về Thái úy Đỗ Anh Vũ. Theo nội dung văn bia, Đỗ Anh Vũ xuất thân trong một gia đình dòng dõi thế gia. Cha ông là một tướng công họ Đỗ. Mẹ ông là cháu ngoại Đỗ Pháp Thi, con gái thứ ba của quan phủ lại. Bà là người xinh đẹp, nết na, tâm luôn hướng thiện, khoan dung, nhân từ. Sau khi lấy Đỗ tướng công (cha của Đỗ Anh Vũ), bà hạ sinh được hai người con là Đỗ Anh Vũ và một người con gái tên Quỳnh Anh. Đỗ Anh Vũ năm lên 8 tuổi có dáng vẻ khôi ngô, có tài bắn cung, chơi nhạc, được tuyển vào cung làm Thượng lâm đệ tử. Đến năm 16 tuổi cốt cách đường hoàng, phong thái ung dung, được vua Lý Thần Tông ưu ái chọn vào hầu trong màn trướng. Đến năm hơn 24 tuổi, với khí phách khảng khái, tài giỏi khác thường, ông được dự bàn chính sự, bàn mưu tính kế, hết lòng phò tá vua và Thái hậu.
           Nội dung tấm bia ca ngợi Thái úy Việt Quốc công Đỗ Anh Vũ là người “có công phò tá vua và Hoàng Thái hậu trị yên cả nước; ngoài biên ấp, hoặc có kẻ làm phản, công cầm cờ tiết đều bắt được giặc đem về, giữ yên bờ cõi… là tấm gương lớn của làng Nho vậy”. Với những công lao đó, triều đình đã ban cho ông nhiều ân điển như “thăng chức Kiểm hiệu Thái úy kiêm Thượng phụ, lại ban quốc tính, miễn phu dịch cho ba họ, ban cho màu áo Cửu chương (trang phục chỉ dành cho vua), ủy nhiệm phủ Thanh Hóa, giao giữ các trấn trại, “thực ấp một vạn hộ, thực phong bốn ngàn hộ”.
          Đình Cảnh Lâm là một ngôi đình có bề dày lịch sử. Những năm 1947- 1950 đình đã bị thực dân pháp chiếm đóng lập đồn bốt, sau năm 1954 đình được sử dụng làm trường học và sân kho hợp tác xã nông nghiệp, từ năm 1966- 1968 đình được sử dụng làm lớp học bổ túc văn hóa của trường Đại học Bách Khoa.

Với những giá trị to lớn về kiến trúc nghệ thuật, ngày 18/11/2015 Bộ VH,TT&DL đã quyết định xếp hạng đình Cảnh Lâm là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
           Ngày nay, ngôi đình được tu sửa khang trang sạch đẹp, là nơi hội họp, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của các cụ cao niên và nhân dân trong vùng, đồng thời tổ chức giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ý thức gìn giữ di sản văn hóa của quê hương cho mọi tầng lớp nhân dân.


Tác giả: Theo Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết