A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về thăm Di tích Quốc gia Địa điểm Cây đa và đền La Tiến

“Sống giết gian, trừ ác hết lòng cứu nước

Chết ban phúc, tiêu tai gắng sức phù dân”.

 

Đọc câu đối ấy khi tới chiêm bái Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Cây đa và đền La Tiến chúng tôi lặng đi vì xúc động, vì tự hào trước những tấm gương lẫm liệt hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc đã hóa thành bất tử.

Một góc di tích Lịch sử cấp Quốc gia Địa điểm Cây đa và đền La Tiến

Di tích quốc gia này là nơi tưởng niệm vong linh 1.145 anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ cách mạng và đồng bào ta đã bị thực dân Pháp giết hại trong thời gian chiếm đóng tại đây (từ năm 1949 -1954), trong đó có 121 cán bộ và nhân dân xã Nguyên Hòa, đồng thời ghi dấu tội ác của thực dân Pháp xâm lược.

 

Cây đa La Tiến tọa lạc bên bến sông Luộc hiền hòa thuộc thôn La Tiến, xã Nguyên Hoà, huyện Phù Cừ. Kề bên cây đa trăm tuổi là đài bia tưởng niệm cao vút, sừng sững in trên nền trời xanh, bốn mặt được ốp đá xẻ tự nhiên màu xám, nội dung bia được khắc chìm, chữ nhũ vàng bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Đài bia vừa ghi dấu tích về tội ác dã man của giặc Pháp, vừa tri ân những tấm gương hy sinh anh dũng để bảo vệ quê hương. Dưới bóng mát của cây đa La Tiến, ngôi đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ uy nghi, lặng lẽ tỏa khói hương.

 

Theo sử sách, cùng những lời nhắc nhở về tội ác của thực dân Pháp trên đài bia căm thù, với dòng chữ vẫn tươi màu, cây đa La Tiến là một chứng nhân lịch sử. Trong kháng chiến chống Pháp, thực dân Pháp đã xây dựng bốt La Tiến khét tiếng tàn ác, án ngữ phía Nam khu vực tỉnh Hưng Yên, phía Bắc tỉnh Thái Bình, phía Tây tỉnh Hải Dương và thực hiện “tầm thanh, trừ cán, diệt cộng”. Trong số gần trăm bốt thực dân Pháp lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thì bốt La Tiến là một trong nhưng bốt có vị trí chiến lược quân sự và giao thông quan trọng nhất nên chúng bố trí người Pháp làm cai bốt, chỉ huy.

 

Nhớ lại những ngày bị bắt đi phu và bị đánh đập tàn nhẫn ở bốt La Tiến khi mới là cậu bé 14 tuổi và chứng kiến bao chiến sỹ cách mạng cùng bà con trong làng bị giặc giết hại dã man, đôi mắt già nua của người đảng viên lão thành 55 tuổi Đảng, Phạm Ngọc Diệp lấp loáng như có nước: “Chúng đã tra tấn man rợ và giết người bằng những hình thức thời trung cổ, làm đau đớn đến tột cùng rồi mới giết và thả xác trôi sông. Nhiều gia đình làng tôi (La Tiến -PV) bị giết hại cả nhà.”.

 

Trong số hơn một nghìn người bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai giết hại ở La Tiến, có nữ Anh hùng liệt sỹ Trần Thị Khang, tức Vũ Thị Kính quê ở xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, là em gái của nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Phương…

 

Gây tội ác man rợ nhưng chúng không khuất phục được tinh thần kháng chiến của quân và dân ta. Tháng 1.1954, bộ đội chủ lực đã phối hợp với quân dân Phù Cừ tiêu diệt hoàn toàn bốt La Tiến, giải phóng quê hương. Và cây đa La Tiến đã trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường của người dân Nguyên Hòa nói riêng và người dân Hưng Yên nói chung.

 

Tưởng niệm vong linh các anh hùng liệt sĩ và đồng bào ta đã bị giết hại trong những năm thực dân Pháp chiếm đóng tại đây, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 2010, đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại cây đa La Tiến đã được xây dựng dưới tán cây đa cổ thụ xum xuê tỏa bóng. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, Địa điểm Cây đa và đền La Tiến đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia năm 2015.

Bia tưởng niệm trong Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Cây đa và đền La Tiến

Đền La Tiến nhìn về hướng Đông Nam, phía trước là dòng sông Luộc mênh mông, mùa này phù sa đỏ lịm, xa xa là bến phà La Tiến luôn tấp nập nối liền giữa 2 tỉnh Hưng Yên - Thái Bình. Đền được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, với kết cấu kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền tế và một gian hậu cung rất vững chắc, kiến cố. Tại đây bài trí nhiều đồ thờ tự có giá trị.

 

Đặc biệt, trong khuôn viên đền có 5 đôi câu đối với nội dung thể hiện rõ tinh thần anh hùng, bất khuất của chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hi sinh tại nơi đây do giáo sư Vũ Khiêu viết tặng. “Sống giết gian, trừ ác hết lòng cứu nước/ Chết ban phúc, tiêu tai gắng sức phù dân”. “Đền liệt sỹ người hiền đến viếng/Cửa anh hùng khách quý dâng hương”. “Nước sông Luộc sục sôi dòng huyết hận/ Trời Phù Cừ cao vút khí anh linh”. “Đạo làm người rực sáng ngàn thu/ Gương tuổi trẻ soi dài muôn dặm”. …

 

Theo ông Đặng Đình Đại, Trưởng Ban quản lý di tích, cây đa cổ thụ, chứng nhân của lịch sử ngày nào, giờ có chiều cao chừng 30 mét, tán xòe rộng khoảng 50 mét, gốc cây 8 người ôm không xuể…

 

Các cụ cao niên ở làng khẳng định, hiện không ai biết được cây đa La Tiến có từ thời nào, chỉ biết rằng, các sách còn lưu giữ được cho biết cây có niên đại khoảng 200 năm. Hơn một lục thập hoa giáp đã qua, từ những chỗ thân cành bị tàn phá, những chồi non đã mạnh mẽ bật lên thành tán lá xòe rộng bên dòng sông Luộc. Dường như đời cây cũng như con người nơi đây luôn có lối xử thế nhân văn “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”…

 

Trải bao biến đổi của lịch sử, tự nhiên, cây đa vẫn tốt tươi. Vòm lá xanh ngăn ngắt, yên ả tỏa bóng chùm cả khu vực rộng lớn, như chiếc lọng khổng lồ che bóng cho ngôi đền thêm linh thiêng. Nhìn những lá cành xanh biếc biếng vẫy gió, thảnh thơi nghiêng mình cạnh dòng sông, mấy ai nghĩ rằng, trước đó cây đa La Tiến đã phải chứng kiến biết bao mất mát, đau thương cũng như những khát khao chưa bao giờ tắt về cuộc sống hạnh phúc, bình yên của miền quê cách mạng, kiên trung, bất khuất..

 

Về La Tiến những ngày tháng 7, đi trong không gian yên bình của miền quê từng một thời đau thương “dây thép gai đâm nát trời chiều”, giờ đang ngày càng trù phú, sầm uất nhà nối nhà, cao tầng, san sát, chúng tôi dưng dưng xúc động chứng kiến những dòng người lặng lẽ đổ về dâng hương, chiêm bái Di tích Quốc gia Địa điểm Cây đa và đền La Tiến. Lịch sử trừu tượng mà sống động ngay tại nơi này. Những cựu binh đầu bạc trầm tư, xa xăm nhìn khói tỏa. Những bé thơ đeo khăn quàng đỏ, thành kính cúi đầu…

 

Ở đây, truyền thống được đắp bồi, tiếp nối bền bỉ, tự nhiên… như khí trời, khiến mỗi người lại càng thấy tự hào hơn về những trang sử anh hùng của cha ông./.


Tác giả: Theo Báo Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết